CÁC BIỆN PHÁP GIA CỐ MÁI DỐC
Gia cố mái dốc không đơn giản chỉ có 1 phương pháp mà nó còn nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào địa hình, địa chất mà xây dựng phương án phù hợp. Cùng tập đoàn xây dựng Minh Đức tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây nhé.
"Gia cố mái dốc" là 1 loạt các kỹ thuật được sử dụng trong lĩnh vực xây dựng để cải thiện sự ổn định và an toàn của các mái dốc, đặc biệt là ở những khu vực dễ xảy ra sạt lở, xói mòn hoặc trong những trường hợp xảy ra sự cố độ dốc. Những kỹ thuật này nhằm tăng cường độ dốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra để ngăn chặn hoặc giảm thiểu các nguy cơ liên quan đến sự không ổn định của dốc. Dưới đây là một số phương pháp thông thường:
1. Các giải pháp Gia cố mái dốc truyền thống:
- Thay đổi hình dạng mái dốc: giảm độ cao, giảm độ nghiêng, giảm tải. Thường được áp dụng khi có nhiều không gian đất trống để gia cố mái, địa chất tương đối tốt. Khối lượng đào đắp lớn.
- Kiểm soát nước mặt, nước ngầm: thu gom và tiêu nước, phủ thảm thực vật, dùng vật liệu bao phủ bề mặt mái dốc.
- Tường chắn rọ đá bao gồm các hộp lưới dây thép được lấp bằng đá hoặc các vật liệu khác. Chúng có thể được xếp chồng lên nhau để tạo thành bức tường khỏi sạt lở.
- Tường chắn đất trọng lực bằng đá hộc xây hoặc bê tông, tường cứng bê tông cốt thép. Nhược điểm của giải pháp này là khối lượng đào lớn, tác động đến mái dốc tự nhiên, mất an toàn trong quá trình thi công, tiến độ thi công lâu và hạn chế diện tích sử dụng đất do khối lượng tường chiếm chỗ lớn.
2. Các giải pháp Gia cố mái dốc hiện đại:
- Gia cố sâu sử dụng đinh đất, neo đất, cọc micro pile: giải quyết triệt để các cung trượt tiềm năng, áp dụng cho các mái dốc có chiều cao, độ dốc lớn, dễ dàng kết hợp với các giải pháp phủ xanh bề mặt, tiến độ thi công nhanh, chi phí hợp lý.
- Gia cố bề mặt sử dụng Lưới 3D chống xói bề mặt, ô ngăn địa kỹ thuật, bao sinh thái: có tác dụng giữ đất, chống xói bề mặt và khôi phục lớp phủ thảm thực vật cho mái dốc.
- Gia cố bề mặt sử dụng bê tông phun vẩy kết hợp lưới thép:tạo lớp bê tông phủ cho bề mặt mái dốc, có tác dụng ngăn chặn xói mòn bề mặt, ngăn nước
- Chống đá lăn bề mặt sử dụng lưới thép sức kháng cao kết hợp đinh đất/ neo đất: được sử dụng ở các mái dốc có địa chất đá rời, đá phong hóa mạnh, nguy cơ sạt lở bề mặt cao.
- Tường chắn đất có cốt taluy âm: cấu tạo tường gồm đất đắp, cốt lưới địa kỹ thuật, bề mặt (facing) và hệ thống thoát nước. Tường chắn đất có cốt thường dùng cho taluy âm có độ dốc và chiều cao lớn, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật. Tường chắn đất có cốt thân thiện với môi trường và dễ dàng kết hợp với các giải pháp phủ xanh bề mặt.
- Kè đinh đất, neo đất kết hợp khung bê tông cốt thép: là giải pháp thay thế cho tường chắn trọng lực, bán trọng lực truyền thống. Neo đất, đinh đất giải quyết triệt để các cung trượt sâu tiềm năng; lớp bề mặt được bảo vệ bằng bê tông cốt thép hoặc bê tông phun vẩy kết hợp lưới thép. Kè đinh đất, neo đất thường được sử dụng Gia cố mái dốc cho mái taluy dương có độ dốc và chiều cao lớn, quá trình thi công ít tác động đến mái dốc tự nhiên, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, thời gian thi công nhanh và tối ưu diện tích sử dụng đất.
Việc lựa chọn biện pháp gia cố mái dốc phụ thuộc vào các yếu tố như loại đất, góc mái dốc, điều kiện địa chất, ngân sách cũng như mục tiêu của dự án. Các phương pháp kỹ thuật vẫn liên tục được tối ưu thông qua thực tế, vì vậy nên tìm kiếm sự tư vấn từ các chuyên gia địa kỹ thuật của Công ty Cổ phần thi công kết cấu dây Việt Nam SSC- một thành viên Tập đoàn xây dựng Minh Đức hoặc nguồn tài nguyên kỹ thuật liên quan để có được các biện pháp gia cố mái dốc tiên tiến nhất và phù hợp nhất cho từng trường hợp cụ thể.