BIỆN PHÁP THI CÔNG DẦM I33 CĂNG TRƯỚC (PHẦN 2)

Xem phần 1 của biện pháp thi công dầm I33 căng trước tại đây

Để hoàn thành một dầm I33 căng trước, sẽ cần chuẩn bị và thực hiện những nội dung sau: 

Công tác căng cáp thi công dầm I33 căng trước

a. Vật liệu

Thông số kỹ thuật cáp dự ứng lực:
Tiêu chuẩn: ASTM A416 Grade 270
Nhà sản xuất: Shandong
Đường kính danh nghĩa: 12.7mm
Diện tích danh nghĩa: 99 mm2
Cường độ kéo:1860Mpa
Modun đàn hồi: 185000-205000 N/mm2
Độ chùng thấp: <=2.5%

b. Thiết bị căng kéo

Kích: YDC240QX-200
Áp lục nén:50 Mpa
Lực căng: 240 KN
Diện tích pít tông: 47.71cm2
Hành trình căng: 200mm
+ Bơm: ZB4-500
Áp lực nén :60 MPa
Máy bơm dầu: 2 đồng hồ đo
+ Bộ nêm neo được sẽ được thay thế mỗi lần 10 dầm

c. Nhân lực thi công dầm I33 căng trước

Bố trí nhân lực đủ số lượng, trình độ, kinh nghiệm theo yêu cầu.
Phổ biến quán triệt các quy trình thao tác an toàn trong quá trình thực hiện căng kéo thi công dầm I33 căng trước

d. Quá trình căng kéo cáp dự ứng lực dầm I33 căng trước

Thứ tự căng kéo cáp : tất cả các dây và thứ tự căng theo thứ tự từ 1- 44 trong phần bản vẽ.
Lực căng thiết kế: Pk = 138 KN/01 tao.
Sơ đồ căng và cắt cáp:

thi công dầm i33 căng trước

Các bước căng kéo được tiến hành theo các cấp tải trọng sau:
- Bước 1: Căng so dây: Lực căng so dây là lực nhỏ thường không xác định được rõ ràng nhưng dấu hiệu của so dây là ở chỗ: Kim đồng hồ kích bắt đầu tăng đều (Kim đồng hồ hết dao động) Thông thường lực căng so dây khoảng 0.1Pk. Đánh dấu để đo độ dãn dài của cáp.
- Bước 2: Căng đến lực 0.2Pk: Dừng lại 5 phút và đo độ dãn dài của cáp.
- Bước 3: Căng đến lực 0.4Pk: Dừng lại 5 phút và đo độ dãn dài của cáp.
- Bước 4: Căng đến lực 0.6Pk: Dừng lại 5 phút và đo độ dãn dài của cáp.
- Bước 5: Căng đến lực 0.8Pk: Dừng lại 5 phút và đo độ dãn dài của cáp.
- Bước 6: Căng đến lực 1.0Pk: Dừng lại 5 phút và đo độ dãn dài của cáp.
- Việc căng kéo được thực hiện tại đầu dầm thi công tầm I33 căng trước. Tất cả các bước căng kéo trên phải luân chuyển cho từng đầu thực hiện, nghiêm cấm thực hiện việc căng kéo đồng thời trên 2 kích. Khi căng kéo, các tao cáp kéo đơn lẻ từng sợi một. Các tao cáp được căng từ 1 đầu.
- Đối với cáp chéo dùng hệ chuyển hướng để chỉnh hướng cáp và tiến hành căng cáp như cáp thẳng.
Tính toán độ giãn dài của cáp dự ứng lực (Chi tiết xem phụ lục 1-1):
- Đối với từng cấp tải trọng có một trị số dãn dài tương ứng, vì vậy sau mỗi cấp tải trọng đều phải đo lại độ dãn dài của cáp DƯL để so sánh với độ dãn dài tính toán.
- Đo độ dãn dài bằng cách: Dùng dấu sơn vạch trên bó cáp và dùng thước thép có độ chính xác 1 mm để đo.
Các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình căng kéo dầm I33 căng trước
- Các tao cáp phải được đặt song song, không được chạy chéo, vì vậy khi luồn từng tao cáp phải đánh dấu từng tao.
- Tổng số sợi đứt, trượt trong một mặt cắt không vượt quá 1% tổng số sợi thép trong mặt cắt đó.


An toàn lao động khi căng kéo thi công dầm I33 căng trước
- Tuyệt đối không đứng phía sau kích khi đang căng kéo.
- Trước khi căng kéo phải tiến hành kiểm tra các thiết bị căng kéo.
- Kiểm tra các tuy ô bơm dầu.
- Kiểm tra bơm dầu.
- Kiểm tra đồng hồ kích.
- Kiểm tra hệ thống điện.
- Theo dõi bản đệm neo trong quá trình căng kéo.
Các giải pháp khắc phục khi có sự cố xảy ra trong quá trình căng kéo:
- Trường hợp lực căng đủ nhưng độ giãn dài chưa đạt cho phép kéo vượt 10%
(1.1Pk), lúc này nếu độ giãn dài đạt 95% tính toán là được.
- Nếu độ giãn dài đạt nhưng lực căng chưa đủ : Nếu lực căng đạt 95% Pk là được (Trong trường hợp lực căng chưa đạt 95% Pk cần xem lại có hiện tượng tụt neo hay không để có biện pháp xử lý kịp thời ).
- Kiểm tra quá trình lắp đặt cáp, thiết bị, công tác căng kéo và công tác đo đạc độ giãn dài.
- Kiểm tra kết quả tính toán lý thuyết độ giãn dài cáp, tính quy đổi lực căng ra số đọc trên đồng hồ áp lực.
- Kiểm tra cáp dự ứng lực được đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, đúng quy cách, chủng loại.
- Kiểm tra hệ thống căng kéo bao gồm: kích, đồng hồ áp lực….
Một số sự cố khác có thể và biện pháp xử lý:
- Đứt cáp dự ứng lực khi căng kéo. Tạm dừng công tác căng kéo trong vòng 1 giờ đồng hồ, thay thế sợi cáp đứt và tiếp tục công tác căng cáp.
- Kích không tăng đủ lực khi chưa đạt lực căng thiết kế. Kiểm tra, hiệu chỉnh lại hệ thống kích cho phù hợp. Trường hợp không khắc phục được, thay thế kích, đồng hồ và bảng tra số chỉ đồng hồ mới và tiếp tục căng.

5. Lắp đặt ván khuôn thành

- Sau khi căng cáp xong thì tiến hành lắp ván khuôn thành và bố trí chống chèn để chuẩn bị cho công tác đổ bê tông.
- Các thanh chống sẽ được lắp đặt phù hợp theo thiết kế của ván khuôn.
- Vệ sinh ván khuôn sạch sẽ, không dính bụi bẩn, dầu mỡ hoặc tránh ảnh hưởng từ các vật liệu khác và sẽ được xử lý bằng vật liệu bôi trơn mặt ván khuôn được phê duyệt trước khi lắp đặt.
- Trên ván khuôn thành, các lỗ cho cốt thép chờ dầm ngang được bố trí tại các vị trí và có kích đúng theo bản vẽ thi công dầm I33 căng trước được duyệt. Các lỗ chờ này được bịt kín xung quanh thanh thép chờ bằng vải sợi hoặc vật liệu thích hợp khác để không cho vữa bê tông tràn ra ngoài trong quá trình đổ bê tông. Tấm ván khuôn thép được gia công sẵn sử dụng làm ván khuôn thành bên.
- Các tấm ván khuôn được lắp đặt bằng cẩu theo số hiệu bố trí trên ván khuôn đáy.
- Tất cả các liên kết giữa các phần của ván khuôn thành, giữa ván khuôn thành và ván khuôn đáy, ván khuôn đầu dầm cần thiết có biện pháp để ngăn rò rỉ nước xi măng.
- Khoảng cách giữa ván khuôn thép với dầm đỡ được chêm chèn để chống dịch chuyển ván khuôn.
- Hiệu chỉnh hoàn thiện và nghiệm thu công tác lắp dựng ván khuôn cốt thép, cáp DƯL trước khi đổ bê tông.

6. Đổ bê tông.

Trước khi đổ bê tông thi công dầm I33 căng trước: 
- Ổn định của ván khuôn phải được kiểm tra cẩn thận, kiểm tra cốt thép, lớp bê tông bảo vệ, và đánh dấu những cao độ dừng, yêu cầu đổ bê tông đã được chấp thuận của Kỹ sư.
- Bê tông sẽ được trộn bằng trạm trộn 60m3/h. Đổ bê tông bằng xe vận chuyển bê tông kết hợp với bơm bê tông hoặc máng đổ bê tông. Phải đảm bảo trong quá trình đổ bê tông không rơi một cách tự do vượt quá khoảng cách quy định nhỏ hơn 1,5 mét.
- Kiểm tra hệ thống điện, họat động của máy đầm bê tông và hệ thống chiếu sáng (trong trường hợp làm việc ban đêm).
- Đo độ sụt của từng xe bê tông đảm bảo không vượt ngoài phạm vi 160-200mm, tiến hành lấy 09 mẫu bê tông hình trụ 150x300mm để phục vụ công tác nén mẫu 3  ngày, 7 ngày và 28 ngày.
Việc vận chuyển hỗn hợp bê tông từ nơi trộn đến nơi đổ phải đảm bảo các yêu cầu:
- Sử dụng phương tiện vận chuyển hợp lý (Phương tiện chuyên dùng là xe chuyển trộn), tránh để hỗn hợp bê tông bị phân tầng, bị chảy nước Xi măng và bị mất nước do gió nắng.
- Sử dụng thiết bị, nhân lực và phương tiện vận chuyển phải bố trí phù hợp với khối lượng, tốc độ trộn, đổ và đầm bê tông.
- Thời gian cho phép lưu hỗn hợp bê tông trong quá trình vận chuyển phải được xác định bằng thí nghiệm trên cơ sở điều kiện thời tiết, loại Xi măng và loại phụ gia sử dụng.
- Đối với bê tông có sử dụng phụ gia thì thời gian cho phép lưu hỗn hợp bê tông trong quá trình vận chuyển không được quá 60 phút và phải tuân theo qui định cấp phối tính toán và thí nghiệm về mức độ đông cứng nhanh của bê tông.
- Trong quá trình vận chuyển bê tông, bồn xe chuyển trộn luôn luôn quay để tránh phân tầng bê tông.
Quá trình đổ bê tông:
- Nước sẽ được phun lên ván khuôn, cốt thép và bề mặt của ván khuôn đáy trướckhi đổ bê tông.
- Bê tông không được đổ tự do từ độ cao lớn hơn 1.5m.
- Việc đổ bê tông sẽ được tiến hành theo từng lớp. Bê tông sẽ được bắt đầu đổ từ hai đầu dầm vào giữa dầm.
- Đỉnh của lớp 1 đổ đến đỉnh của bầu đáy dầm. Và đầm chặt một cách cẩn thận để loại bỏ bọt khí trên bề mặt bầu bê tông.
- Trước tiên, đầm dùi được sử dụng để đầm các lớp bê tông. Sau đó, máy rung thành bên sườn ván khuôn thành được hoạt động trong thời gian thích hợp cho các lớp từ 1 đến 3.
- Bề mặt của lớp thứ 2 sẽ vào khoảng giữa của sườn dầm. Máy rung thành sẽ được vận hành để đầm bê tông sau khi đầm bằng đầm dùi giống như lớp 1.
- Máy đầm rung bê tông sẽ được chọn là loại có tần số thích hợp để có thể rung đầm hiệu quả cho loại bê tông thiết kế với độ sụt 2cm trên phạm vi đường tròn có bán kính 45cm. Số lượng máy đầm rung phải đủ khả năng để cố kết bê tông trong vòng 10 phút sau khi đổ vào trong ván khuôn. Ít nhất là 3 máy đầm rung được dự phòng sẵn sàng tại hiện trường để duy trì thi công dầm I33 căng trước liên tục trong trường hợp có sự cố.

Máy rung thành (máy rung bên ngoài) sẽ được bố trí ở bên ngoài ván khuôn. Việc xem xét và bố trí lại sẽ được lựa theo kết quả thi công dầm I33 căng trước thực tế tại công trường.
- Máy đầm rung (đầm dùi) phải ngập xuyên đế lớp bê tông đổ trước, qua lớp bê tông mới đổ.
- Điều kiện của bê tông sẽ được kiểm tra chặt chẽ để tránh bê tông bị cứng trước khi đổ lớp tiếp theo. Bê tông mới sẽ được đổ trong vòng nhiều nhất là 2 tiếng sau khi đổ lớp trước đó.
- Bê tông rơi vãi trên bề mặt ván khuôn sẽ được dọn sạch trước khi đổ bê tông.
- Độ khít của ván khuôn cần được kiểm tra và quan trắc thường xuyên để tránh biến dạng hoặc xê dịch của ván khuôn cũng như rò rỉ tại ván khuôn. Trong trường hợp có xê dịch, ván khuôn sẽ được điều chỉnh ngay lập tức trước khi tiếp tục đổ bê tông.
- Tốc độ đổ bê tông sẽ được kiểm soát để không vượt quá áp lực thiết kế như đã đề cập trong phần thiết kế ván khuôn.
- Sau khi đổ bê tông, bê tông rơi vãi thép chờ sẽ được vệ sinh sạch sẽ. Lớp bề mặt bê tông sẽ được hoàn thiện ít nhất 2 lần bao gồm lần hoàn thiện cuối cùng bằng tay và sử dụng bay thép. Dung sai chiều cao đổ bê tông là ±20mm.
- Trong trường hợp có sự cố và cần thiết phải dừng đổ bê tông trước khi toàn bộ mặt cắt dầm được hoàn thành, các biện pháp như sau sẽ được thực hiện.
- Làm phẳng bề mặt cho đến khi hỗn hợp bê tông trước đó và mối nối sẽ được xử lý như mối nối thi công dầm I33 căng trước
- Những mẫu bê tông phụ sẽ được lấy thêm từ những khu vực ngừng đổ bê tông do sự cố để có thể xác định được cường độ của bê tông tại những vị trí tương ứng trên.
- Không đổ bê tông trong thời tiết trời mưa.

7. Bảo dưỡng bê tông, tháo dỡ ván khuôn


Bê tông dầm mới đổ phải được bảo dưỡng, công tác bảo dưỡng phải bắt đầu ngay sau khi hoàn thiện dầm và kéo dài liên tục cho đến khi bê tông đủ cường độ. Công tác bảo dưỡng phải đảm bảo sao cho luôn giữ được độ ẩm trên bề mặt bê tông, và công tác bảo dưỡng được coi là một phần không thể thiếu trong công tác thi công dầm I33 căng trước.
Phần bề mặt lộ ra của dầm (mặt đỉnh dầm) sẽ được phủ lớp vải hoặc vật liệu dạng vải khác thích hợp ngay sau khi công tác hoàn thiện bề mặt bê tông kết thúc.
Sau khi bê tông đạt cường độ, ván khuôn thành sẽ được tháo dỡ.
Khi gặp mưa lớn, cần trải bạt nylon bao phủ tất cả bề mặt bê tông.
Phương pháp tưới nước – ngoài bản dầm, tất cả phần bề mặt bê tông lộ ra đều được bảo vệ khỏi mặt trời và cả kết cấu sẽ được bao phủ bằng vải bao tải hoặc các vật liệu sợi phù hợp khác cho đến khi bê tông đủ cường độ.
Hợp chất bảo dưỡng bê tông - Cần phải làm mặt bê tông theo yêu cầu trước khi rải hợp chất bảo dưỡng bê tông. Trong thời gian làm mặt, bê tông vẫn cần được bảo vệ bằng phương pháp tưới nước.
Việc dỡ bỏ ván khuôn sẽ được tiến hành cẩn thận tránh gây hư hại hoặc làm hỏng bề mặt bê tông và các thép chờ.
Trong trường hợp dầm được tập kết trong một thời gian dài sau khi đúc, bề mặt của thép chờ dầm ngang và bản mặt cầu sẽ được quét xi măng để tránh bị ăn mòn và gỉ.
Sau khi dỡ bỏ ván khuôn, bề mặt của bê tông nơi thi công dầm ngang sẽ được xử lý tạo nhám như mối nối thi công dầm I33 căng trước


8. Cắt cáp dự ứng lực để thi công dầm I33 căng trước


Cắt cáp được thực hiện sau khi bê tông đạt cường độ tối thiểu 90% theo kết quả thí nghiệm nén mẫu bê tông tính theo giá trị trung bình và phải được tư vấn giám sát đồng ý.
Phải thực hiện tháo các gông giằng, các chi tiết có thể cản trở sự co ngắn của dầm DƯL trước khi tiến hành cắt cáp.
Phải có biện pháp chống lật dầm trong qúa trình cắt cáp như sử dụng cẩu, palant, cổng trục hoặc các thiết bị khác chống lật dầm.
Thứ tự cắt cáp phải được thực hiện theo nguyên tắc chung sau:
- Cắt cáp sao cho sau mỗi điểm cắt cáp gây nên một lực lệch tâm ít nhất đối với dầm DƯL cũng như bệ căng.
- Mỗi sợi cáp được cắt đồng thời tại các điểm đầu mỗi dầm DƯL trên bệ căng và cắt theo thứ tự qui định ứng.
- Thứ tự sau mỗi lần cắt cáp phải đối xứng qua trục bệ căng và cắt từ trên xuống dưới, cắt trên nguyên tắc đối xứng qua tim dầm và từ cáp giữa ra cáp ngoài.
- Thứ tự cắt cáp cáp trùng với thứ tự căng cáp (Xem hình 1)
Khi cắt cáp phải có 01 người ra hiệu lệnh để đảm bảo cho các công nhân cắt cáp đồng thời tại các đầu dầm DƯL trên cùng một sợi cáp. Ngay sau khi cắt cáp xong phải kiểm tra tổng thể dầm DƯL và ghi đầy đủ các số liệu có tại thời điểm kiểm tra vào biên bản nghiệm thu sản phẩm.
Cắt cáp phải được chia làm 02 lần như sau:
- Lần 01: Cắt cáp gián đoạn dầm DƯL ra khỏi bệ căng bằng cách hơ nóng từ từ tại điểm cắt (không được cắt qúa nhanh). Cắt cáp lần 1 phải tuân theo nguyên tắc chung của cắt cáp dầm DƯL. Điểm cắt bố trí cách mặt bê tông đầu dầm DƯL tối thiểu là 10cm, tốt nhất 20-30cm, cấm việc cắt cáp lần 1 sát mặt bê tông đầu sản phẩm.
- Lần 02: Để đầu cáp sát với đầu dầm DƯL hoặc còn thừa khỏi mặt bê tông đầu sản phẩm dưới 3mm. Đối với đầu dầm DƯL tại vị trí cáp có mặt bê tông phẳng thì phải cắt bằng máy đĩa, đối với đầu dầm DƯL tại vị trí cáp có mặt bê tông lồi lõm mà khi cắt máy đĩa không an toàn thi cho cắt bằng gió đá nhưng trước khi cắt phải tưới nước ướt bê tông đầu sản phẩm tại chân các sợi cáp để giảm nhiệt bê tông do
hơi nóng của đèn gió đá. Ngay sau khi cắt cáp bằng mặt với bê tông cần được phủ lớp bảo vệ để chống ăn mòn tao cáp.
Độ vồng của dầm được đo bằng quan trắc trước và sau khi cáp được cắt. Kết quả đo độ vòng sẽ được ghi lại trong quá trình kiểm tra.
Trước khi căng, kiểm tra cao độ dọc theo bề mặt ván khuôn dầm I tại 5 điểm 0, 1/4L 1/2L, 3/4L, 4/4L. Những điểm này sẽ được đánh dấu bằng sơn để đảm bảo rằng việc kiểm tra cao độ tiếp theo được thực hiện chính xác trên cùng một vị trí. Sau khi thực hiện quá trình cắt cáp, công tác kiểm tra cao độ sẽ được thực hiện một lần nữa để đo độ vồng.
Độ vồng sau khi cắt sẽ được thực hiện trên mỗi dầm. Tất cả các dầm sẽ được đo độ vòng tại thời điểm 3 ngày, 7 ngày và 28 ngày và ghi vào biên bản kiểm tra. Báo cáo độ vồng sẽ được trình lên tư vấn thiết kế để phân tích nếu cần thiết.

9. Cẩu dầm ra bãi chứa dầm I33 căng trước

Dầm sau khi thi công dầm I33 căng trước xong dùng giá long môn cẩu dầm ra bãi chứa tập kết vào bãi chứa dầm. Kê dầm tại 2 đầu bằng gỗ kê 600x150x150mm, đảm bảo dầm không bị nghiêng lệch và luôn theo dõi tình trạng của dầm. Dầm chỉ được xếp duy nhất một lớp
không được xếp chồng lẫn lên nhau.

 

Kết

Trên đây là toàn bộ thông tin kỹ thuật liên quan đến thi công dầm I33 căng trước, sau khi kết thúc thi công sẽ có các phần như An toàn Lao Động; Bảo Vệ Môi Trường; Công Tác Quản Lý Chất Lượng để hoàn thành thi công.